Tốt nghiệp hạng ưu với số điểm tuyệt đối 4/4 tại ĐH Carnegie Mellon (Mỹ), lấy bằng tiến sĩ công nghệ thông tin chuyên ngành trí tuệ nhân tạo tại đại học danh tiếng Stanford, Vũ Duy Thức là gương mặt đồng sáng lập của rất nhiều startup công nghệ đình đám tại Thung lũng Silicon (Mỹ) như Katango, Tappy, OhmniLabs.
Từ chế tạo robot đến blockchain
Hai trong số các dự án startup với sự góp mặt của Duy Thức đã được một tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới mua lại. Với Công ty OhmniLabs có trụ sở tại Thung lũng Silicon, sản phẩm robot trợ giúp người già có tên Ohmni đã nhận được nhiều đơn đặt hàng ở thị trường Mỹ và khắp nơi trên thế giới.
Là một người trẻ nhạy bén, từ Ohmni, anh bắt đầu startup đột phá có tên Kambria: dùng công nghệ chuỗi khối (blockchain) để giải một bài toán mà anh nhận ra từ trong quá trình vận hành công ty này.
Sau khi robot Ohmni gặt hái được nhiều thành công, nhiều công ty lớn từ khắp nơi trên thế giới đã tìm đến đặt vấn đề phát triển sản phẩm robotics.
Kambria của Thức ra đời với vai trò một hệ sinh thái, một nền tảng sáng tạo mở được xây dựng trên công nghệ blockchain để kết nối ba nhân tố chính của cuộc cách mạng công nghệ: nhà phát minh (các lập trình viên, kỹ sư...), nhà sản xuất và người dùng.
"Quỹ Sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Fund) của Kambria sẽ kết nối trực tiếp các nhà nghiên cứu khoa học và các nhà đầu tư, rút ngắn khoảng cách giữa việc tìm kiếm quỹ tài trợ của các nhà khoa học và việc tìm nguồn công nghệ mới để rót vốn của các nhà đầu tư" - TS Thức chia sẻ.
Ngoài ra, nền tảng mở Kambria còn cho phép các nhà sáng chế hưởng những ưu đãi tài chính dựa trên mỗi đóng góp của họ, cho dù đó là một đoạn mã hay là một nhánh dữ liệu.
Đội ngũ lập trình viên Việt ở Kambria
TS Vũ Duy Thức cho biết mặc dù trụ sở của Kambria đặt tại Thung lũng Silicon, đội ngũ của Kambria lại được xây dựng tại Việt Nam với 17 thành viên, trong đó 12 người là lập trình viên.
"Việt Nam được đánh giá là một nước có tiềm năng nhân lực công nghệ cao trên mặt bằng công nghệ thế giới. Tôi mong muốn được mang những công nghệ cao từ nước ngoài về, đóng góp cho mặt bằng chung của việc phát triển công nghệ Việt Nam.
Ngoài ra, tôi cũng đã đồng thành lập tổ chức VietAI, hợp tác với các trường đại học và đối tác với mục đích đào tạo các lập trình viên có trình độ tầm cỡ quốc tế với mong muốn đội ngũ này sẽ là một phần không thể thiếu của cộng đồng phát triển các sản phẩm công nghệ cao tại Việt Nam" - TS Thức chia sẻ.
Ngay tại thời điểm này, một cuộc thi công nghệ hackathon có tên Grand AI Challenge do Kambria tổ chức tại Việt Nam cũng đang diễn ra, kéo dài đến tháng 8-2019.
"Cuộc thi nhằm kết nối các kỹ sư, lập trình viên, các nhà đầu tư và các công ty có nhu cầu sử dụng công nghệ. Trong tương lai, Kambria sẽ tiếp tục thực hiện những dự án mang mục tiêu xây dựng một cộng đồng phát triển AI và Robotics tại Việt Nam và trên toàn cầu" - TS Thức cho biết.
Theo anh, Việt Nam hiện nay đang có những công ty công nghệ rất nhiều triển vọng, có nhiều tài năng, nên việc có những sản phẩm công nghệ "made in Vietnam" chỉ là sớm hay muộn.
"Để phát triển công nghệ thì cần có nhiều yếu tố hội tụ như việc hình thành một cộng đồng kỹ sư có trình độ cao, sự quan tâm đúng mức của các nhà đầu tư và những chính sách ưu đãi trong lĩnh vực này từ chính phủ. Nếu có đủ các điều kiện hội tụ để hình thành một hệ sinh thái hỗ trợ cho việc phát triển công nghệ tại Việt Nam thì tôi tin rằng chúng ta sẽ sớm có các sản phẩm công nghệ mang tầm vóc thế giới" - anh Thức chia sẻ.
"Tôi mong muốn được mang những công nghệ cao từ nước ngoài về Việt Nam và đóng góp cho mặt bằng chung của việc phát triển công nghệ tại Việt Nam.
--- VŨ DUY THỨC ---
Theo Tri Thức Trẻ