Mục tiêu chính của kiểm thử phần mềm là cung cấp sản phẩm chất lượng, bàn giao sản phẩm đúng hạn để có được sự hài lòng và tin tưởng của khách hàng. Tham khảo ngay bài viết này để hiểu rõ hơn về các mục tiêu đó.
Đọc thêm: Phương pháp kiểm thử phần mềm
Mục tiêu chính của kiểm thử phần mềm
Mục tiêu chính của kiểm thử phần mềm thường được chia thành mục tiêu ngắn hạn, mục tiêu dài hạn và mục tiêu sau khi kiểm thử. Trong đó, mục tiêu quan trọng của kiểm thử phần mềm không thể không nhắc đến bao gồm:
-
Tìm lỗi phát sinh do lập trình viên tạo ra khi code
-
Ngăn chặn lỗi và đáp ứng các yêu cầu của người dùng
-
Mang đến cho khách hàng sản phẩm phần mềm chất lượng
-
Có được sự tin tưởng của khách hàng và khẳng định uy tín
-
Giảm chi phí và cải tiến quy trình (sau khi kiểm thử phần mềm)
Mục tiêu ngắn hạn
Mục tiêu ngắn hạn (mục tiêu trước mắt) là kết quả ngay lập tức của kiểm thử phần mềm. Những mục tiêu đó có thể được đặt trong các giai đoạn riêng của vòng đời phát triển phần mềm (SDLC). Mục tiêu ngắn hạn của kiểm thử phần mềm thường được đề cập đến gồm: phát hiện lỗi và ngăn chặn lỗi.
Phát hiện lỗi: Mục tiêu của kiểm thử phần mềm là tìm lỗi ở các giai đoạn phát triển phần mềm. Trong đó, một số lỗi được phát hiện ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển phần mềm cho nên sẽ mang lại kết quả tốt và giúp tiết kiệm chi phí.
Ngăn chặn lỗi: Một trong những mục tiêu ngắn hạn của kiểm thử phần mềm là ngăn chặn lỗi. Từ việc tiếp nhận, xem xét, phân tích lỗi được phát hiện, nhóm lập trình viên sẽ rút kinh nghiệm để những lần viết code ở giai đoạn sau hoặc dự án trong tương lai sẽ không bị lặp lại những lỗi đó.
Không phải lỗi nào được phát hiện trong quá trình kiểm thử cũng được khắc phục hoàn toàn nhưng có thể được dự đoán và phòng ngừa. Theo nghĩa này, phòng ngừa lỗi là mục tiêu chính và quan trọng hơn cả của quy trình kiểm thử phần mềm.
Mục tiêu dài hạn
Mục tiêu dài hạn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, khi một chu kỳ của vòng đời kiểm thử phần mềm kết thúc. Một số mục tiêu dài hạn của kiểm thử phần mềm thường được đề cập đến gồm: chất lượng, sự hài lòng của khách hàng.
Sản phẩm chất lượng: Kiểm thử kỹ lưỡng giúp đảm bảo chất lượng phần mềm. Phần mềm cũng là một sản phẩm, cho nên chất lượng của nó sẽ được đánh giá và quyết định chủ yếu bởi người dùng.
Chất lượng phần mềm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, chẳng hạn: hiệu quả, tính chính xác, độ tin cậy, tính toàn vẹn. Do đó, để đảm bảo chất lượng phần mềm phải kiểm thử để xác định các yếu tố kể trên.
Sự hài lòng của khách hàng: Mục tiêu chính của kiểm thử phần mềm là sự hài lòng của khách hàng. Để có được điều đó thì chúng ta cần mang đến cho họ sản phẩm thực sự chất lượng, đúng yêu cầu và thời hạn.
Chính vì vậy, kiểm thử phần mềm đầy đủ, kỹ lưỡng là vô cùng cần thiết. Quy trình kiểm thử phần mềm hoàn chỉnh sẽ có được độ tin cậy, nâng cao chất lượng sản phẩm và gia tăng sự hài lòng của khách hàng.
Mục tiêu sau khi kiểm thử phần mềm
Đó là những mục tiêu sau khi phát hành phần mềm. Một số mục tiêu thường được đề cập đến đó là giảm chi phí bảo trì và cải tiến quy trình kiểm thử phần mềm.
Giảm chi phí bảo trì phần mềm: Phần mềm không bị hao mòn, cho nên, chi phí bảo trì của bất cứ phần mềm nào cũng không phải là chi phí vật lý của nó. Chi phí bảo trì duy nhất của phần mềm chỉ chính là lỗi của nó.
Chi phí khắc phục lỗi khi phát triển phần mềm sẽ ít tốn kém hơn so với khi phát hành. Vì vậy, nếu kiểm thử đã được thực hiện theo quy trình, nghiêm ngặt và hiệu quả thì khả năng thất bại sẽ thấp hơn, khi đó, chi phí bảo trì phần mềm cũng giảm đáng kể.
Cải tiến quy trình kiểm thử phần mềm: Mục tiêu dài hạn của kiểm thử phần mềm là cải thiện quy trình cho các dự án trong tương lai. Bởi vì, quy trình kiểm thử cho một dự án có thể không thành công như mong đợi và vẫn tồn tại khu vực cần được cải tiến.
Lịch sử lỗi và kết quả sau khi thực hiện có thể được phân tích để tìm ra những điểm yếu trong quá trình kiểm thử hiện tại, từ đó được xác định cho các dự án khác triển khai trong thời gian sau.
Mục đích của tester là gì?
Công việc mỗi tester là tìm lỗi, thế nhưng, đó không phải là mục đích duy nhất. Những mục đích chính của tester thường được đề cập đến là:
-
Tìm lỗi sản phẩm
-
Ngăn ngừa lỗi sản phẩm
-
Đánh giá chất lượng sản phẩm
-
Đề xuất ý tưởng để cải thiện chất lượng sản phẩm
-
Hiểu và làm rõ những yêu cầu thực tế của khách hàng
-
Nỗ lực đạt được hiệu quả cao nhất trong thời gian ngắn
-
Luôn giữ được “ngọn lửa” nhiệt huyết với công việc kiểm thử phần mềm
Tìm lỗi sản phẩm
Tìm ra lỗi sản phẩm là một trong những mục đích mà tester hướng đến. Tuy nhiên, không nên gói gọn và kết thúc ở việc phát hiện lỗi sản phẩm. Tester cần phân loại và đánh giá mức độ nghiêm trọng của lỗi.
Sau khi đánh giá mức độ nghiêm trọng của lỗi, tester sẽ cùng lập trình viên đưa ra giải pháp khắc phục nhanh chóng và hiệu quả nhất. Kiểm thử phần mềm để chắc chắn rằng, sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của khách hàng.
Ngăn ngừa lỗi
Khi kiểm thử, tester sẽ hiểu kỹ lưỡng, chi tiết về phần mềm đó. Ở những trường hợp khác, trong quá trình kiểm thử, tester có thể gặp những lỗi tương tự. Nếu cùng một lập trình viên sẽ dễ dàng hiểu cơ chế phát sinh lỗi, từ đó tester sẽ thông báo cho lập trình viên để đưa ra giải pháp ngăn ngừa, tránh lặp lỗi ở sản phẩm tiếp theo.
Điều quan trọng với mỗi tester đó là hạn chế đến mức tối đa việc phát sinh lỗi, đảm bảo sản phẩm ít lỗi nghiêm trọng nhất trước khi đến tay khách hàng. Đừng bao giờ nghĩ rằng sản phẩm đã hết tất cả các lỗi mà chủ quan, không chú ý đến những chi tiết nhỏ.
Đánh giá chất lượng sản phẩm
Mục đích chính của tester là tìm và ngăn ngừa lỗi, tuy nhiên, quản lý/leader thường không quan tâm đến việc bạn báo cáo có bao nhiêu lỗi, lỗi gì mà sẽ chú ý đến sản phẩm có chất lượng không. Vì vậy, tester cần đánh giá kỹ chất lượng sản phẩm và giao cho khách hàng đúng thời hạn.
Bạn khó có thể xác định sản phẩm đã hết lỗi, thế nhưng, bạn phải hiểu rõ nhất sản phẩm của mình có thực sự đạt chuẩn và thỏa mãn nhu cầu của khách hàng hay không. Vì vậy, tìm lỗi và đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất khi đến với khách hàng mới là điều mà tester cần hướng đến.
Đề xuất ý tưởng để cải thiện chất lượng sản phẩm
Tester nên dựa vào thực tế và kinh nghiệm làm việc, phối hợp cùng lập trình viên, đề xuất ý tưởng để cải thiện chất lượng sản phẩm, phục vụ hiệu quả cho mục đích của doanh nghiệp và thân thiện hơn với người dùng.
Để có những ý tưởng tuyệt vời, tester không chỉ hiểu về sản phẩm của mình mà cần hiểu sản phẩm khác trên thị trường. Hiểu được cách thực hiện và hoạt động của sản phẩm “hot” qua internet là điều thực sự cần thiết.
Và tất nhiên, đừng bao giờ bỏ qua việc phân tích, tìm hiểu về những sản phẩm chưa đảm bảo chất lượng để có thêm kiến thức, kinh nghiệm cho quá trình kiểm thử sau này. Cải thiện chất lượng sản phẩm giúp giảm đáng kể chi phí so với khi phát hành, tạo nên khách hàng thân thiết và tăng doanh thu cho doanh nghiệp.
Hiểu và làm rõ những yêu cầu thực tế của khách hàng
Tester cần hiểu và làm rõ những yêu cầu thực tế của khách hàng. Muốn sản phẩm hoạt động tốt, tester cần tìm hiểu khách hàng đang sử dụng sản phẩm này như thế nào, sau đó viết kịch bản kiểm thử và thiết kế các test case. Điều đó thực sự hữu ích để hoàn thiện và thỏa mãn các yêu cầu của khách hàng.
Thực tế, khách hàng luôn mong muốn nhận được sản phẩm đúng hạn và đảm bảo chất lượng. Thế nhưng, điều đó không hề đơn giản như chúng ta vẫn nghĩ, bởi vì, từ yêu cầu thực tế đưa vào sản phẩm phần mềm sẽ có rất nhiều khác biệt.
Khi là một tester, bạn nên cùng các thành viên trong nhóm tìm hiểu rõ về yêu cầu của khách hàng. Càng hiểu rõ về yêu cầu của khách hàng thì việc viết test case, dự đoán khó khăn xảy ra sẽ dễ dàng hơn. Vì vậy, trao đổi và hiểu rõ yêu cầu của khách là điều quan trọng đối với mỗi tester.
Nỗ lực đạt được hiệu quả cao nhất trong thời gian ngắn
Để cho ra mắt sản phẩm, lập trình viên sẽ có khoảng một tháng để hoàn thiện nhưng tester chỉ có khoảng 2 ngày để kiểm thử. Tester cần vận dụng toàn bộ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để có được kết quả tốt nhất trong thời gian ngắn.
Sẽ chẳng có khách hàng nào muốn nhận sản phẩm còn tồn tại nhiều lỗi với lý do không đủ thời gian test. Cho nên, bất cứ tester nào cũng nên tìm cho mình cách làm việc thông minh, trong thời gian hạn hẹp và có được kết quả tốt nhất gửi đến khách hàng.
Luôn giữ được “ngọn lửa” nhiệt huyết với việc kiểm thử phần mềm
Sự nghiệp của một tester thường được chia thành nhiều giai đoạn. Đôi khi, bạn cảm thấy mình thật nhỏ bé và không có những đóng góp giá trị cho sự nghiệp phát triển phần mềm. Có những lúc bạn bị cuốn theo “dòng chảy” công việc, nhưng đôi khi bạn lại cảm thấy nhàm chán và không muốn tiếp tục.
Có những lúc bạn băn khoăn rằng, mình lựa chọn con đường này là đúng hay sai? Dù có lúc này, lúc khác nhưng mục tiêu của kiểm thử viên chính là mang đến cho khách hàng sản phẩm chất lượng. Điều mà tester nên tránh là làm-cho-xong, hãy giữ “ngọn lửa” nhiệt huyết với công việc để tạo nên những sản phẩm thực sự ấn tượng.
Kết luận: Nói chung, mục tiêu của kiểm thử phần mềm là tìm và ngăn ngừa lỗi, đáp ứng các yêu cầu về kinh doanh của khách hàng và người dùng cuối. Tester cũng nên biết rằng, chỉ khi tạo nên sản phẩm chất lượng và bàn giao đúng thời hạn mới có được sự hài lòng của khách hàng.