Tại buổi nói chuyện ba giờ đồng hồ với sinh viên tại Đại học Bách Khoa Hà Nội tối 18/11 cùng nhà sáng lập Got It Hùng Trần và Ngô Trung của Magestore, Nguyễn Hà Đông nghe nhiều hơn nói.
Tiến sỹ Tạ Hải Tùng, Đại học Bách Khoa Hà Nội - người trong vai trò điều phối cuộc nói chuyện - ví von: "Đông là người khiêm tốn, sống trong một thế giới riêng của mình. Bao trùm xung quanh Đông là tấm màn bí ẩn. Đông không giống với những người thành công, anh không thích lên truyền thông, vì thế Đông càng trở nên lung linh".
Thực tế, Đông cũng kiệm lời và có phần ngập ngừng khi chia sẻ về bản thân. "17 năm qua, tôi chỉ có màn hình máy tính, nên không có nhiều câu chuyện để kể. Tôi nghĩ mình đã phải đánh đổi một số thứ để có thành công như vậy. Thứ mà tôi đánh đổi chính là sự trưởng thành của mình", Đông nói trước lời đề nghị vén bức màn về bản thân.
Khi được gợi lại về quyết định gỡ bỏ "chú chim ngu" khi đang ở thời kỳ đỉnh cao vào tháng 2/2014, anh nói: "Bẩm sinh tôi không chịu được áp lực. Vì vậy tốt nhất là nên gỡ bỏ".
|
Nguyễn Hà Đông trong sự kiện tối 18/11 tại Bách khoa Hà Nội.
|
Cách đây 5 năm, tờ Rolling Stone từng viết về thành công của Hà Đông và Flappy Bird: "Đông kiếm được số tiền ước tính lên tới 50.000 USD một ngày. Ngay cả Mark Zuckerberg, nhà sáng lập Facebook ban đầu cũng không giàu nhanh như vậy". Flappy Bird cũng nằm trong danh sách 25 ứng dụng được CNET đánh giá là có tầm ảnh hưởng nhất trong một thập kỷ qua.
Ở Mỹ, người ta hay nói có 1 triệu USD là có thể nghỉ hưu và Đông cũng từng nghĩ vậy ngày xưa. Anh nói: "Hồi sinh viên, tôi tính có 1,1 triệu USD sẽ nghỉ hưu, nhưng bây giờ tôi có nhiều lần số đấy nhưng vẫn chưa nghỉ hưu được".
5 năm sau khi khai tử Flappy Bird, hiện tại, anh vận hành một công ty chuyên về game. Công ty có đúng 2 người: Hà Đông và một người bạn khác cũng là cựu sinh viên của Đại học Bách khoa. Sau thành công của Flappy Bird, người ta vẫn mong ngóng và chờ đợi một điều tương tự từ Đông. Tuy nhiên, anh nói: "Xác suất để có một thành công tương tự là 0,1%. Tôi không muốn nói trước vì nói trước khó mà vượt qua. Game đó trông rất đơn giản nhưng trình độ công nghệ trong game này chưa từng có bao giờ".
Bên cạnh việc làm game, hiện Hà Đông tài trợ cho một số sinh viên cần nguồn tiền để nghiên cứu. Họ cần chứng minh cho anh thấy họ đã làm được gì, khả thi ra sao, số tiền cần là bao nhiêu và tiêu vào việc gì. Nếu thấy hợp lý, Hà Đông sẽ tài trợ cho dự án.
Có nên khởi nghiệp khi còn sinh viên là một trong những câu hỏi được nhiều bạn trẻ quan tâm. Với Nguyễn Hà Đông, anh cho rằng mình không khởi nghiệp. Đông bắt đầu lập trình năm 15 tuổi, lập trình game năm 17 tuổi, đi làm cho một công ty game từ năm hai đại học và bắt đầu thực sự làm một mình từ năm 2011. Vậy nên, anh nghĩ không có câu trả lời chính xác cho tất cả, "tuỳ thuộc mỗi người miễn họ thấy đúng".
|
Buổi chia sẻ với sinh viên của ba nhà sáng lập Got It, Magestore và Flappy Bird tối 18/11 tại Bách khoa Hà Nội.
|
Còn nhà sáng lập của Got It, anh Hùng Trần cho rằng đó là điều nên làm bởi sinh viên không có gì để mất. Ở Mỹ, đa phần trường đại học có chương trình "entrepreneurship" để sinh viên đưa ra giải pháp cho vấn đề của xã hội và được nhà trường hỗ trợ. Đó là môi trường an toàn để cho sinh viên thử.
Theo Hùng Trần, khởi nghiệp ở giai đoạn sinh viên không nhất thiết là phải là có công ty, sản phẩm tốt, giá trị lớn nhất là "tư duy kinh doanh" có được cho bản thân. Đó là thứ giúp bạn tiến xa khi đi làm hay khởi nghiệp về sau.
Anh Ngô Trung, nhà sáng lập Magestore cũng đồng tình rằng trải nghiệm sẽ giúp học hỏi được nhiều. Bản thân anh cũng chưa từng đi làm toàn thời gian cho công ty nào. Anh từng thực tập cho một công ty công nghệ nhưng sau đó phải nghỉ việc do chỉ trong hai tháng đã viết 3 email đề nghị tăng lương.
Quá trình khởi nghiệp của anh cũng mất nhiều thời gian mày mò và khá vất vả. Bởi vậy, nhà sáng lập Magestore khuyên rằng sinh viên có thể làm việc và tham gia vào một startup để học hỏi cách thức người khác làm, rút ngắn được quãng thời gian và giúp thành công hơn.
Bên cạnh đó, có một thực tế rằng nhiều người kinh doanh luôn đề cao ý tưởng "độc nhất" của mình, nhiều người nói đến ý tưởng triệu USD, tỷ USD. "Ở Thung lũng Slicon, ý tưởng là thứ rẻ mạt nhất. Có rất nhiều người giỏi và cùng một ý tưởng. Rất khó để bạn có cái gì là độc nhất", sáng lập Got It Hùng Trần chia sẻ.
"Cái khó là biến ý tưởng thành sản phẩm, dịch vụ tốt và nó nên phục vụ, giải quyết vấn đề nhức nhối mà nhiều người đang gặp phải hằng ngày chứ không phải là ý tưởng mà chỉ có nhà sáng lập cần", Hùng Trần nói.
Hùng Trần còn dẫn một ví dụ về câu chuyện của Dropbox - hệ thống lưu trữ dữ liệu được đánh giá tốt nhất hiện nay - cho thấy, ý tưởng dù bị lộ cũng không phải vấn đề quá lớn với nhà sáng lập.
Trước khi xây dựng hệ thống, nhà sáng lập của Dropbox từng làm một đoạn video giới thiệu về sản phẩm mới này và để lại hộp thư cho những người có nhu cầu điền thông tin vào và chạy ứng dụng tiếp cận đến các đối tượng tiềm năng. Chỉ trong 10 ngày, có khoảng 200.000 người đăng ký. Số lượng đó chứng minh cho nhà sáng lập thấy sản phẩm này có "đất sống" trên thị trường. Trừ một số sản phẩm phần cứng có rủi ro về việc bị lộ ý tưởng, anh nói, đây là cách mà bình thường người ta vẫn làm ở Thung lũng Silicon.
Via vnexpress